Luồng là một trong 7 loại nguyên liệu tre trúc được ứng dụng rất phổ biến trong ngành kiến trúc xây dựng. Ngoài ra nó còn có rất nhiều lợi ích khác mà có thể mọi người chưa khai thác hết. Vì vậy bài viết dưới đây sẽ chia sẻ rõ hơn đến bạn đọc về đặc điểm cũng như ứng dụng của loại nguyên liệu xanh này.
Cây luồng là cây gì?
Cây luồng có pháp danh khoa học là Dendrocalamus membranaceus Munro. Đây là một loại thực vật thuộc họ nhà tre có kích thước lớn mọc cụm và không có gai. Với nhiều ưu điểm nổi bật về độ bền, dẻo dai, thân thiện với sức khỏe và môi trường cây luồng ngày càng được trồng và khai thác rộng rãi ở nước ta.
Đặc điểm hình thái
Thân
Thân luồng có kích thước lớn, đường kính trung bình khoảng 10cm. Khi trưởng thành độ dài thân đạt khoảng 14m với ngọn cong khoảng 1m. Thân cây tròn đều, mập mạp và thẳng đứng. Trên thân có nhiều lóng nhưng các vòng đốt không nổi rõ. Lóng cây dài khoảng 30cm, độ dày vách khoảng 1cm.
Cành
Cành luồng phát triển từ các đốt. Mỗi đốt có nhiều cành, cành chính to và dài, 2 – 5 cành còn lại nhỏ hơn.
Lá
Phiến lá luồng thuôn hình mũi giáo. Trung bình mỗi lá dài 18cm, rộng khoảng 1,5cm. 2 bên mép lá đều có những răng cưa nhỏ nhưng khá sắc chìa ra bên ngoài.
Đầu lá cây luồng thường nhọn, phần đuôi hình tù hoặc hình nêm. Khi còn non lá có màu xanh thẫm, sờ vào thấy mềm mại. Khi về già lá chuyển sang màu xanh nhạt, xen lẫn các chấm nhỏ có màu gỉ sét trên bề mặt.
Mo
Bẹ mo có hình chuông, rụng khá sớm, đáy dưới rộng khoảng 30cm, đáy trên rộng bằng ⅓ đáy dưới. Lá mo có hình mũi giáo, hơi lật ngửa và cụp ra phía ngoài. Cả 2 mặt lá mo đều có 1 lớp lông mỏng bao phủ.
Hoa
Hoa luồng phát triển khi cây luồng đã già. Các bông hoa chét thường có hình trái xoan nhọn, tập trung thành từng cụm có hình cầu. Chiều dài mỗi bông hoa khoảng 10mm và rộng khoảng 4mm.
Phân bố
Ở nước ta cây luồng có thể mọc tự nhiên và phân bố chủ yếu ở tỉnh Thanh Hóa với trữ lượng rất lớn. Vì vậy nơi đây được xem là “cái nôi” của loài cây này.
Hiện nay cây luồng được nhân giống và trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Nhưng vùng tập trung nhiều nhất vẫn là vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Ứng dụng
Cũng giống như các loại nguyên liệu tre trúc khác, cây luồng góp mặt trong hầu hết các lĩnh vực trong nhịp sống hiện đại ngày nay. Hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một món đồ hoặc một hạng mục công trình được làm bằng luồng. Cụ thể là:
- Luồng nguyên liệu được dùng để sản xuất đồ nội thất như bàn ghế tre, giường tre, sofa, đèn để bàn bằng ống tre luồng, tủ tre,….
- Trong kiến trúc xây dựng cây luồng được dùng làm cột chống, dui mè, xà đỡ, làm mái nhà, làm nhà chòi, resort, trang trí nội thất, trồng làm hàng rào, tường bao, cầu thang, sàn nhà, cửa nhà,…
- Trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ luồng được các nghệ nhân chế tác thành giỏ tre, mẹt tre, hộp đựng giấy, đồ lưu niệm,… có giá trị xuất khẩu cao.
- Trong đời sống sinh hoạt và ẩm thực tre luồng được bà con nông dân chế tạo thành nông cụ sản xuất như cán cày, cán cuốc, cán dao, cán bừa, mê bồ, cót ép, rổ rá, thúng tre, dần sàng, quang gánh, … hoặc dùng măng luồng làm món ăn.
- Trong lĩnh vực công nghiệp tre luồng được dùng làm nhiên liệu, khí đốt, sản xuất giấy, làm tinh than tre, sản xuất kem đánh răng, quần áo làm từ sợi tre,….
Cách trồng và chăm sóc
Kỹ thuật trồng luồng
Cách trồng luồng cơ bản được thực hiện như sau:
- Địa hình trồng luồng: Là các vùng đồi núi thấp, vùng đồng bằng, chân đồi các dải đất hình yên ngựa hoặc sườn thoải.
- Phương thức trồng luồng: Trồng phân tán quanh nhà, trồng thành rừng, trồng xen canh với các loại cây thân gỗ khác.
- Đất trồng: Đất Feralit nâu đỏ (phát triển trên đá Poocphia), đất Feralit đỏ vàng (phát triển trên phiến thạch sét), đất phát triển trên đá vôi,….
- Kỹ thuật trồng: Có thể trồng luồng bằng cách chiết bầu, giâm cành, hom gốc,… Trong đó nhân giống bằng cách chiết bầu được áp dụng phổ biến nhất.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây luồng dễ bị sâu vòi voi phá hoại khi ra măng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển dễ bị bệnh chổi sể. Vì vậy bà con chú ý vệ sinh rừng luồng đều đặn. Đồng thời thường xuyên vun xới đất, điều tiết mật độ và bón phân định kỳ để tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển.
Khai thác
- Khai thác luân kỳ 1 năm: Thu hoạch không quá 30% tổng số cây trong khóm.
- Luân kỳ 2 năm: Không chặt hạ quá 40% tổng số cây trong khóm.
- Khai thác luân kỳ 3 năm: Ở vùng xung yếu thì chặt hạ những cây 4 tuổi. Các vùng khác thì chặt hạ cây 3 tuổi.
Kết luận
Như vậy bài viết trên đây đã chia sẻ chi tiết đến bạn đọc cây luồng – nguyên liệu xanh không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Nếu mọi người đang cần tìm mua, sử dụng nguyên liệu tre luồng hãy liên hệ đến Cừ Tràm Huy Hoàng để được hỗ trợ tận tình, chu đáo và hoàn toàn miễn phí.